Tụng Kinh niệm Phật (Tụng là đọc, niệm là nhớ) là miệng đọc tâm nhớ, tâm và miệng hợp nhất, nhất tâm đọc và nhớ lời Kinh và danh hiệu của Phật.
Tụng Kinh niệm Phật của hàng xuất gia hay tại gia để tỉnh thức tâm linh, kiến tạo cho chính mình một cuộc sống an hòa. Lợi ích của sự tụng Kinh niệm Phật – ngoài công đức cho kẻ còn người mất – còn nói lên nếp sống đạo. Nếp sống cố hữu của tổ tiên chúng ta là tụng Kinh niệm Phật để tích phước cho con cháu. Hơn nữa, sự tụng Kinh niệm Phật còn đem lại nhiều lợi ích thiết thực như sau:
Tụng Kinh niệm Phật giữ cho tâm được an lành, để dễ cảm thông với các Đấng Thiêng Liêng. Tụng Niệm rất dễ dàng huân tập các điều suy nghĩ tốt vào tâm thức.
Tụng Kinh niệm Phật để ôn lại những lời dạy của Phật. Lấy đó làm kim chỉ nam cho nếp sống đạo.
Tụng Kinh niệm Phật để giữ cho thân, miệng, ý được thanh tịnh, trang nghiêm và chính đáng.
Tụng Kinh niệm Phật để cầu an, thì nghiệp chướng tích lũy trong nhiều đời nhiều kiếp sẽ dứt trừ va tránh được những tai ương hạn ách có thể xảy ra trong bất cứ lúc nào.
Tụng Kinh niệm Phật để tỏ lòng ăn năn sám hối trước Phật đài và kể từ nay, tâm niệm của mình được thanh tịnh, nghiệp chướng khổ đau không còn nữa.
Tụng Kinh niệm Phật để pháp âm ngân vang, để cảnh tỉnh trần thế mê hoặc và cảm hóa mọi người đang sống trong cảnh u tối lầm than.
Vì những lợi ích trên, người đã tin Phật phải tụng Kinh niệm Phật và tụng niệm cho đúng cách. Khi tụng niệm nên giữ cho trang nghiêm, tránh mọi sự ồn ào, phức tạp, tránh mọi điều làm kích động tâm ý, đắm lợi mê danh, tham luyến trần tục. Chỉ tụng niệm trước Tam Bảo, trong Đạo tràng thanh tịnh, hoặc nơi trang nghiêm, hoặc nơi thích hợp chính đáng, không nên tụng niệm trước chỗ thờ quỷ thần, cúng cá thịt, đốt vàng mã theo thủ tục lệ mê tín dị đoan, không thích hợp với Phật pháp.
Như người đời thuộc những bài ca mà họ ưa thích, thì những khi đi đứng nằm ngồi họ thường khe khẽ cất lên vài câu, hay trong tâm cũng thường nghĩ nhớ đến những bài ca bài hát đó. Cũng vậy, nếu mình thường niệm Phật thì nó khởi lên câu niệm Phật. Còn nếu mình thuộc lòng kinh thì những lời kinh thường hay khởi lên thì ngay lúc đó là mình đã tụng kinh rồi.
Mỗi khi tụng kinh, mình nhớ lại những lời dạy của Phật thì đó là mình niệm Pháp. Khoảng thời gian mình tụng kinh thì những niệm phiền não, những niệm xấu, niệm ác bị đè phục nên không khởi lên; do bị đè phục nên nó yếu đi, nó đã yếu thì lúc có khởi lên cũng khởi yếu. Đây là nói phục, còn đoạn là khác nữa. Nhưng nhờ cái phục nên nó yếu. Vì yếu nên tội chướng nghiệp chướng cũng yếu dần. Khi bên tội chướng, nghiệp chướng yếu thì thiện căn công đức sẽ khởi dậy. Hai cái đó như hai cái giá cân. Nếu bên này nặng thì bên kia bị nhẹ. Nếu bên này nhẹ thì bên kia nặng, lẽ đương nhiên là như vậy. Nói cách khác, ngoài phước báu do tôn kính Phật pháp, người tụng kinh có thể làm tiêu trừ nghiệp chướng.
Tụng kinh niệm Phật ngoài mục đích chính yếu là vãng sanh Cực Lạc ra, còn có tác dụng hàng phục những phiền não nghiệp chướng, khiến cho những thiện căn công đức được tăng trưởng. Nếu mỗi ngày tu hành đều đặn như vậy, tất nhiên lần lần bớt đi phần phàm phu sanh tử mà tiến lần trên con đường Hiền Thánh giải thoát.