Nhấn mạnh tính cấp thiết của tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, ông Nguyễn Văn Thân kiến nghị Chính phủ xem xét đề án “thu hút nguồn vốn trong nhân dân”.
Kiến nghị này được Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân đưa ra trong cuộc gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ với đại diện các doanh nhân tiêu biểu Việt Nam, sáng 4/10.
Doanh nghiệp Việt đủ năng lực kiểm soát các dự án lớn
Đề cập đến việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của Nhà nước, đặc biệt là hai siêu dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, ông Thân nhấn mạnh các dự án này là hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương.
Để có nguồn vốn thực hiện các dự án trong thời gian tới, ông Thân kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét một đề án cụ thể về “thu hút nguồn vốn trong nhân dân” để phục vụ hai dự án nêu trên, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia.
Ông Thân cũng khẳng định doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn.
Chính phủ có thể “đặt đề bài” cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia…), theo ông Thân. Việc này sẽ tiết giảm chi phí rất lớn từ việc tham gia của cơ quan nhà nước trong tất cả các khâu, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro cho các nhà thầu.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, chia sẻ lĩnh vực y tế tư nhân có tốc độ phát triển nhanh chóng.
Tính đến 30/9, cả nước đã có 372 bệnh viện tư nhân trong tổng số có 1.527 bệnh viện được cấp giấy phép hoạt động, chiếm 23,84% so với bệnh viện công lập.
Nhiều bệnh viện đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, tăng quy mô giường bệnh, áp dụng nhiều kỹ thuật cao, công nghệ mới trong điều trị.
Ông Đệ đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện ban hành các chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực y tế mang tính đồng bộ, không phân biệt trong đầu tư xây dựng cơ sở y tế công lập và tư nhân.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu cho rằng để đội ngũ doanh nhân vững mạnh và phát triển, cần đảm bảo chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự.
“Doanh nghiệp làm ăn với tinh thần tuân thủ pháp luật cao nhất nhưng không thể tránh những sai sót. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự”, ông Châu nói.
Ông cũng mong các cơ quan quản lý phối hợp để tháo gỡ hơn 500 dự án để tăng cung, giảm giá nhà, đồng thời thực hiện được mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Chính phủ đã phát động.
Đối với lĩnh vực bất động sản, phải làm sao có nhiều nhà ở thương mại mà vừa túi tiền người dân, giảm giá nhà, phải tham gia để phát triển được 1 triệu căn nhà ở xã hội, theo ông Châu.
Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện sự tự hào khi Việt Nam đã có các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế có quy mô lớn, giữ vai trò tiên phong dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển, tiên phong trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia.
Thời gian tới, trong bối cảnh khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Thứ nhất, kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân.
Thứ hai, phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện, gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, y tế, giáo dục, văn hóa… để giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Thứ ba, hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Thứ tư, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự.
Thứ sáu, xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp xứng tầm truyền thống lịch sử văn hóa, hào hùng dân tộc.
“Tinh thần là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương nói ít nhưng làm nhiều, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện”, Thủ tướng yêu cầu.
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong.
Thứ nhất, tiên phong thúc đẩy 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực).
Thứ hai, tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ tư, tiên phong xây dựng quản trị doanh nghiệp hiện đại để nâng cao năng lực quản trị đất nước theo hướng thông minh, Chính phủ trong sạch, liêm chính, vì nhân dân phục vụ.
Thứ năm, tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
“Với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ chúng ta hãy cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng và cùng phát”, Thủ tướng kỳ vọng.