Cả một làn sóng HLV trẻ
Mới 39 tuổi, Amorim đã thành công rực rỡ khi dẫn dắt Sporting Lisbon vượt qua cả Benfica lẫn Porto trong làng bóng Bồ Đào Nha. Trong 4 năm cầm quân, Amorim đem về cho Sporting số danh hiệu VĐQG bằng với tổng số lần VĐQG của đội này suốt 20 năm trước đó.
Ông đã dẫn dắt Sporting chiến thắng tuyệt đối trong 11 vòng đầu ở giải VĐQG mùa này, trước khi chính thức chuyển sang huấn luyện MU. Điều thú vị ở đây: HLV trẻ tài danh như Amorim không phải là “của hiếm” trong bóng đá đỉnh cao hiện thời.
Trẻ hơn cả Amorim, Vincent Kompany (38 tuổi) còn dẫn dắt một đội bóng sừng sỏ hơn MU ở đấu trường châu Âu, gã khổng lồ Bayern Munich, đang dẫn đầu Bundesliga với thành tích bất bại sau 10 vòng đấu.
Nếu như Amorim được mời sang Old Trafford để “cấp cứu” một đội bóng chỉ đang đứng thứ 13, phải sa thải HLV như một lẽ tất yếu, thì Kompany là sự chọn lựa kỹ càng của Bayern. Mùa này, đã có lúc Bayern của Kompany ghi đến… 20 bàn trong 3 trận thắng liên tiếp, gồm cả kỷ lục ghi 9 bàn trong một trận đấu thuộc Champions League.
HLV trẻ nhất trong cả 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu hiện nay là Fabian Hurzeler, mới 31 tuổi, đang dẫn dắt đội bóng nhỏ Brighton bay bổng trong “top 6” Premier League. Trong trận đấu gần đây nhất, Brighton của Hurzeler quật ngã nhà vô địch Manchester City (2-1) ở Premier League, và đấy là chiến thắng thuyết phục về mọi mặt.
Có đến hàng chục HLV mới ở tuổi “băm” đang làm mưa làm gió ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Thật ra, có một quy ước trong giới bóng đá, dưới 45 tuổi được xem là HLV trẻ. Khó mà liệt kê cho xuể danh sách HLV trẻ ở các giải đấu lớn mùa này.
Chỉ riêng trong “top 6” Premier League hiện thời, đã có đến một nửa là các HLV trẻ. Đó là Hurzeler, Enzo Maresca (Chelsea, 44 tuổi), Mikel Arteta (Arsenal, 42 tuổi). Cũng ở tuổi 42 như Arteta, HLV Xabi Alonso đã làm nên một hiện tượng trong mùa vừa qua khi đem về cho Leverkusen danh hiệu vô địch Bundesliga đầu tiên trong lịch sử CLB này, bất bại trong suốt mùa bóng.
Cũng không riêng đấu trường CLB, các HLV trẻ còn đang bay bổng ở các ĐTQG hàng đầu. Sau 2 kỳ World Cup “thảm họa” liên tiếp (về nước ngay khi vòng bảng khép lại), rồi tiếp tục sa sút đến nỗi phải lần đầu tiên sa thải HLV, LĐBĐ Đức bèn trao Mannschaft cho HLV trẻ Julian Nagelsmann (hiện 37 tuổi, ông đã cầm quân từ năm ngoái). Đội bóng nổi tiếng này đang rất khởi sắc dưới tay Nagelsmann. “Đồng môn” của Nagelsmann là Domenico Tedesco (39 tuổi) thì đang dẫn dắt đội Bỉ.
Nagelsmann, Arteta, Kompany là 3 trong số những HLV trẻ hàng đầu thế giới hiện nay
Học để huấn luyện bóng đá
Ngày xưa, bóng đá đỉnh cao có một quy luật bất thành văn rằng lối chơi đem về danh hiệu vô địch World Cup lập tức trở thành “kim chỉ nam” cho mọi đội bóng, gồm cả các CLB lẫn ĐTQG. Người ta đồng loạt đá 3-5-2 sau khi Diego Maradona và Argentina lên ngôi vô địch World Cup 1986. Đức bỏ vai trò libero, vô địch World Cup 1990, thế là vai trò libero huyền thoại bị khắp nơi khai tử.
Brazil dùng một cặp tiền vệ trụ để vô địch World Cup 1994, và khắp nơi đá theo kiểu ấy. Có lúc, ảnh hưởng từ chiến thuật vô địch World Cup nặng nề đến nỗi người ta rập khuôn một cách bất chấp. Nước Anh xưa nay chỉ có một danh hiệu vô địch quan trọng ở World Cup 1966. Thế là suốt hàng chục năm, dân Anh chơi 4-4-2 như thể đấy là sơ đồ chiến thuật duy nhất, chơi bóng nghĩa là chơi theo sơ đồ 4-4-2.
Pháp có trung tâm Clairefontaine nổi tiếng, chuyên đào tạo bóng đá trẻ và HLV. Tương tự, Ý có trung tâm Coverciano. Hướng đi riêng như thế làm cho hai nền bóng đá này phát triển mạnh về đội ngũ HLV, cũng như các vấn đề chuyên môn nói chung của bóng đá đỉnh cao, độc lập với “mốt” chiến thuật của các đội vô địch World Cup.
Nhìn vào đấy, cả FIFA lẫn UEFA đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo HLV một cách bài bản. Vấn đề này đã xuất hiện từ đầu thập niên 1990, nhưng chỉ ở thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ thì các quy định, tiêu chuẩn về chứng chỉ, bằng cấp mới thật sự rõ ràng, mang tính bắt buộc.
Trọng dụng các HLV trẻ đang dần trở thành xu thế của bóng đá hiện đại
Bước tiếp theo, trong hơn chục năm gần đây việc “học” để huấn luyện trở thành trào lưu phát triển đến mức độ cực thịnh. Không cần FIFA hoặc UEFA quản lý, giám sát, người ta vẫn đổ xô đến những nơi có uy tín để “học nghề”.
Từ đó, xuất hiện dạng HLV xuất sắc mà chỉ khi họ thành công với những danh hiệu rõ ràng, thế giới mới ngả ngửa đặt câu hỏi: họ… từ đâu ra? Jose Mourinho là một trong những nhân vật tiên phong, có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong câu chuyện này.
Ai chọn HLV?
Học để huấn luyện thì không nhất thiết phải trải qua một sự nghiệp bóng đá thành công, đây là “bóng đá”, chứ không phải “đá bóng”. Mặt khác, người ta vẫn có thể học ngay khi còn đang chơi bóng đỉnh cao (rất nhiều hảo thủ tận dụng thời gian bình phục sau những ca chấn thương nặng để học nghề huấn luyện).
Chỗ học, như đã nói, tồn tại nhan nhản trong thời buổi này. Đấy là lý do vì sao bây giờ, người ta thậm chí có thể huấn luyện từ trước khi bước vào tuổi “băm”. Nagelsmann giải nghệ vì chấn thương ở tuổi 20 và huấn luyện Hoffenheim ở Bundesliga khi mới 28 tuổi.
Học cùng một lớp huấn luyện viên (do LĐBĐ Đức tổ chức vào năm 2016) với Nagelsmann là Domenico Tedesco, một cử nhân kỹ thuật kinh doanh và có bằng quản lý sáng tạo. Tedesco chưa bao giờ chơi bóng đỉnh cao. Sau này, Tedesco huấn luyện Schalke, bị Borussia Dortmund dẫn đến 4-0 trong trận derby vùng Ruhr.
Sau giờ giải lao, Schalke chơi như một đội bóng khác, gỡ hòa 4-4, và Tedesco trở thành HLV đầu tiên trong lịch sử Bundesliga lĩnh giải “Man of the match” (giải này thường được gọi là “cầu thủ xuất sắc nhất trận”, nhưng trong trường hợp này thì không gọi như thế được). Tedesco nói gì với các cầu thủ trong phòng thay đồ? Người ngoài không biết. Nhưng có lẽ đấy không phải là kinh nghiệm, hoặc cách chơi bóng của một cựu cầu thủ.
Đấy chỉ là một trong nhiều khác biệt tiêu biểu so với các HLV ngày xưa, vốn đa phần xuất thân là cầu thủ, không nhất thiết phải có bằng cấp huấn luyện, đi lên bằng kinh nghiệm là chính, và luôn chịu ảnh hưởng bởi các HLV thành công trước đó.
Ngày xưa, chủ tịch CLB là nhân vật quyết định thành công. Nói đến Real Madrid là phải nói đến Santiago Bernabeu, sau này là Florentino Perez. Silvio Berlusconi làm nên cả một thời kỳ hoành tráng cho AC Milan. Bernard Tapie làm nên Marseille. Họ trực tiếp chọn (hoặc sa thải) HLV. Chấm hết! Thành công hay thất bại của đội bóng chính là sản phẩm trực tiếp của HLV, và là sản phẩm gián tiếp của chủ tịch CLB.
Làn sóng HLV trẻ đang tạo được dấu ấn
Bây giờ là thời kỳ của các giám đốc kỹ thuật (hoặc giám đốc bóng đá, cách gọi tùy nơi), giám đốc điều hành, giám đốc quản lý… Tài nghệ khác nhau, nhưng họ đều là những người chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên môn sâu trong lĩnh vực do mình phụ trách. Họ có ảnh hưởng lớn nhất trong việc chọn HLV.
Chủ tịch CLB (hoặc ông chủ đội bóng) ít khi trực tiếp làm việc với HLV trưởng trong bóng đá thời nay. Vậy nên, khi một nhân vật “non choẹt” bất ngờ được trao ghế HLV trưởng, thì đấy chắc chắn đã là lựa chọn công phu, nghiêm túc, có tính chuyên môn cao độ.
Chọn lựa ấy sẽ thành công hay thất bại tất nhiên là câu chuyện khác. Nhưng bây giờ, người ta không chọn HLV bằng cảm xúc, hoặc đơn giản là sự thích/ghét thuần túy của chủ tịch CLB, như ngày xưa.
HLV thời nay thường phải tỏ rõ quan điểm, triết lý, kế hoạch, nói chung là đều phải có con đường riêng của chính mình (thay vì rập khuôn các HLV thành công), mới thuyết phục được các giám đốc. Tính sáng tạo cao càng tốt. Và dứt khoát họ phải có đủ bằng cấp. Đấy đều là các đặc điểm thường thấy của giới HLV trẻ. Suy cho cùng, trong nhiều lĩnh vực tuổi trẻ tất thắng.