Hà Nội những ngày này, bầu không khí trắng đục, đặc quánh không chỉ bao phủ bầu trời mà còn len lỏi vào từng ngõ ngách, từng ngôi nhà, trở thành nỗi ám ảnh của cả người dân nội thành lẫn vùng ven.
Người giàu cũng khóc
Chấp nhận bỏ ra số tiền lớn mua một căn hộ chung cư gần Hồ Tây, để đổi lấy tầm nhìn triệu đô và bầu không khí trong lành, anh Sơn, một chuyên viên tài chính, nói gia đình mình bị “lỗ” vì… ô nhiễm không khí.
Mỗi sáng thức dậy, chỉ cần kéo rèm là đã có thể thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp “trong veo” của Hồ Tây trong nắng sớm là sở thích và cũng là điều Sơn từng luôn tự hào về căn hộ ở vị trí đắc địa của mình.
Thế nhưng giờ đây, qua ô cửa kính, là bầu không khí “đặc quánh”. Anh chỉ phần nào định vị được vị trí Hồ Tây qua những công trình đặc trưng ven hồ hiện ra lờ mờ.
“Tần suất ngắm được Hồ Tây những năm gần đây ngày càng bị giảm đi. Liên tiếp những ngày qua đều mù mịt như vậy.
Trước đây khu tôi ở vẫn nổi tiếng có nhiều cây xanh, thoáng mát, không khí như ốc đảo giữa lòng Hà Nội, vậy mà giờ quanh nội khu ai cũng phải đeo khẩu trang.
Số người đi bộ giảm hẳn, các ông bà cũng ít dẫn cháu ra ngoài chơi hơn hồi trước”, Sơn thở dài.
Chất lượng bầu không khí không chỉ thấy được, mà còn “sờ” được. Chiếc bếp từ đặt gần vị trí ban công nhà Sơn bụi bám thành lớp, dù trước đó một ngày đã được lau sạch sẽ.
“Vẫn phải mở hé cửa ban công để lấy khí tươi ở ngoài nên bụi cũng theo đó tràn vào nhà. Trước lúc nấu ăn, tôi đều phải lau mặt bếp nhưng hôm sau đâu lại vào đấy”, Sơn chia sẻ, minh chứng bằng đầu ngón tay chuyển màu xanh xám sau khi quệt vào mặt bếp.
Trong nhà chàng trai này, mặt bàn, TV, dàn âm thanh cũng chịu chung tình cảnh tương tự.
Nhà Hồ Tây từng là biểu tượng của cuộc sống đẳng cấp và trong lành. Nhưng giờ đây, “khu nhà giàu” cũng phải đối mặt với bầu không khí ô nhiễm, khói bụi phủ đầy không gian sống.
Dựa theo số liệu trên ứng dụng IQAir (tổ chức sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về không khí, có trụ sở chính đặt tại Thụy Sĩ), chỉ số chất lượng không khí (AQI⁺) và PM2.5 tại quận Tây Hồ trưa 18/11 là 198, mức cảnh báo đỏ.
Đây là mức cao nhất kể từ ngày 30/10. Cũng trong nửa tháng trở lại đây, không có ngày nào không khí của quận Tây Hồ ở dưới mức cảnh báo ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nhà ở Hà Đông nhưng cơ quan lại ở quận Đống Đa, Thắng (23 tuổi) mô tả, mũi và phổi của mình như bị tra tấn mỗi lần vượt 10km để đi làm.
“Ám ảnh nhất là trục đường Nguyễn Trãi. Lượng xe cộ nhiều kéo theo bụi và khói “đậm đặc”. Là thanh niên nhưng mỗi lần đường bị ùn tắc, mùi khói xe sộc thẳng lên mũi trong vài mươi phút cũng khiến chàng trai này khó thở, choáng váng nhất là vào mùa hè.
“Với nạn thực phẩm bẩn, chúng ta có thể chi nhiều hơn để lựa chọn đồ sạch trong các chuỗi cửa hàng uy tín. Với nạn nước bẩn, có thể lắp máy lọc, nhưng với ô nhiễm không thì không có giải pháp nào là thực sự hiệu quả.
Trong nhà tôi mỗi phòng đều có máy lọc không khí. Thế nhưng, chúng ta đâu chỉ sống ở trong nhà”, Thắng chia sẻ.
Di dời ra ngoại ô, chấp nhận ngày đi làm 30km vẫn không thoát khỏi ô nhiễm
Không chỉ người dân nội thành, ngay cả những người đã cố gắng rời xa trung tâm để tìm kiếm không khí trong lành cũng rơi vào cảnh bất lực khi “chạy trời không khỏi nắng”.
Chấp nhận đi – về hơn 30km mỗi ngày để đổi lấy không gian sống trong lành, 2 năm trước, chị Phương quyết định xuống tiền mua một căn hộ chung cư tại Gia Lâm.
“Tôi từng nhiều năm ở trọ tại quận Đống Đa. Chán ghét cảnh tắc đường, khói bụi nên khi có đủ kinh tế, tôi quyết định mua nhà ở ngoại thành dù bạn bè và cơ quan đều ở nội đô.
Đó là một sự đánh đổi lớn nhưng ít nhất mỗi khi về nhà, tôi lại được tận hưởng không gian sống an lành giống ở quê”, chị Phương kể về quyết định của mình.
Tuy nhiên, người phụ nữ này không thể ngờ được rằng, nơi sống cách xa phố thị xô bồ chỉ sau thời gian ngắn cũng chịu chung cảnh là nạn nhân của ô nhiễm không khí.
Không khí ô nhiễm, nhà chị Phương luôn trong tình cảnh cửa đóng, then cài. Chiếc ban công từng là nơi uống trà, ngắm cảnh “chữa lành” của người phụ nữ này, giờ như bỏ hoang vì đã lâu chưa có người đặt chân đến.
Sống cùng khu chung cư với chị Phương, anh Hùng, 32 tuổi cũng đang phải vật lộn với ô nhiễm không khí.
“Buổi sáng thì mịt mù, còn cứ đến tối là tôi ngửi thấy mùi rơm rạ đốt ngoài các khu vực canh tác bay thẳng vào nhà. Mùi khét khó chịu đến mức dù có đóng cửa, bật điều hòa tôi vẫn còn ngửi thấy”, anh Hùng ngao ngán. Một năm trở lại đây, Hùng bắt đầu xuất hiện tình trạng viêm mũi dị ứng. Cứ đến đợt khói bụi nhiều là y như rằng lại sụt sịt, hắt xì.
Ô nhiễm không khí cũng khiến người đàn ông này ngại xuống nhà đi bộ thể dục và sử dụng các dịch vụ nội khu, vốn được đánh đổi bởi mức phí dịch vụ hàng tháng gần gấp đôi các khu chung cư khác.
Bế tắc vì “mắc kẹt” trong bầu không khí ô nhiễm của Thủ đô, Hùng cho biết, mình bắt đầu cân nhắc đến ý định về quê ở Hưng Yên sinh sống, vốn là phương án trước đây chưa từng nghĩ đến.
“Nhà tôi ở quê cách chỗ làm việc 20km. Như vậy mỗi ngày đi – về sẽ hết 40km. Trước đây, ý tưởng này nghe có vẻ “dở hơi”. Tuy nhiên với tình trạng ô nhiễm không khí cứ kéo dài triền miên như hiện nay, 40km là sự đánh đổi đắt nhưng đáng cho sức khỏe”, anh Hùng bày tỏ.
Hà Nội chìm trong bầu không khí ô nhiễm
Theo số liệu từ Cổng thông tin quan trắc chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vào trưa 18/11, tình trạng không khí xấu ở nhiều khu vực tại Thủ đô, với chỉ số bụi mịn PM 2.5 vượt mức cho phép.
Cụ thể, tại nội thành, điểm đo đặt ở cổng Parabol, Đại học Bách khoa Hà Nội, đường Giải Phóng cho thấy chất lượng không khí ở mức xấu (160), kèm cảnh báo: “Những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe”.
Điểm đo tại công viên Nhân Chính quận Thanh Xuân và Cầu Giấy chỉ số từ sáng đến trưa 18/11 ở mức kém, từ 101 đến 150.
Tình trạng ô nhiễm không khí lan rộng. Trạm quan trắc chất lượng không khí tại số 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên cho thấy chỉ số chất lượng không khí vào 12h ngày 18/11 là 151 – tương đương với cảnh báo xấu, mức thứ tư trong thang 6 mức.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra các nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn. Nguồn ô nhiễm lớn nhất là từ hoạt động giao thông vận tải.
Sau đó là các nguồn từ hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, hoạt động đốt, sử dụng bếp than tổ ong. Ngoài ra yếu tố thời tiết, khí hậu cũng tác động không nhỏ đến chất lượng không khí, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Ngoài ra các khu vực quanh Hà Nội người dân vẫn đốt rơm rạ tại cánh đồng khá phổ biến. Và các yếu tố khác như điều kiện khí hậu, thời tiết cũng là nguyên nhân khách quan tác động không nhỏ đến chất lượng không khí, đặc biệt tại các tỉnh thành ở phía Bắc.
Số liệu trên ứng dụng IQAir cho thấy một kết quả đáng báo động về chất lượng không khí tại Hà Nội, khi liên tục nằm trong nhóm ô nhiễm nhất thế giới.
Sáng 13/11, ứng dụng IQAir ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức 205, thuộc ngưỡng tím – rất có hại cho sức khỏe; người dân nên hạn chế ra ngoài.
Kết quả này cho thấy, Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 3 thế giới, chỉ sau Delhi của Ấn Độ và Lahore của Pakistan.
Cùng thời điểm, ứng dụng quan trắc PAM Air – mạng lưới quan trắc lớn nhất về không khí ở Việt Nam – ghi nhận chỉ số ô nhiễm tại phường Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội) lúc 9h30 ngày 13/11 là 245 – ở ngưỡng tím (rất có hại cho sức khỏe).
Sang đến ngày 18/11, Thủ đô vẫn nằm trong top 5 những thành phố ô nhiễm không khí nhất, với chỉ số chất lượng không khí và bụi mịn PM2.5 là 198. Nồng độ PM2.5 này cao gấp 21,8 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.
Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường, người dân nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).
Người dân nên vệ sinh mũi, súc họng vào buổi sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; thường xuyên tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ…
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc chủ yếu do bụi mịn PM2.5 – vốn được coi là tử thần trong không khí, có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch.